Quan tâm tới ý kiến của người khác bao nhiêu là đủ?

Trong bài viết trước, tôi đã chỉ bạn cách để không quan tâm người khác nghĩ gì về mình. Tôi cho rằng suy nghĩ của bạn và của tôi đều tuyệt vời, chúng ta nên giữ gìn và bảo lưu nó, chứ không nên để ai tác động và làm nản chí.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm tới ý kiến của người khác trong một số hoàn cảnh, đúng chứ? Vậy khi nào thì chúng ta nên quan tâm, và khi nào chúng ta không nên quan tâm?

Thay vì đưa ra đáp án ở cuối cùng của bài viết, tôi muốn trả lời luôn. Ngay tại đây…

Câu trả lời đó chính là quy tắc 80-20. Hãy giữ chính kiến của bạn 80%, 20% còn lại bạn nên tiếp nhận những ý kiến mang tính thay đổi và tích cực.

Tôi sẽ chỉ ra một vài lý do tại sao bạn nên quan tâm tới ý kiến của người khác.

Bạn bị khùng

“Anh vô tâm lắm anh có biết không?” Cô ấy nói.

Bạn cười khẩy, “Anh vô tâm nhưng anh hot.” Tại sao phải quan tâm tới người khác nghĩ gì? Mình nghĩ gì mới quan trọng.

“Anh ơi chân chống chưa kéo hết kìa” Một người đi đường nói.

Huh, chắc hẳn nó ghen tỵ vì xe mình đẹp. Bạn hếch mặt lên một cái rõ điệu rồi phóng vèo đi mất.

Không quan tâm tới cảm giác của người khác. Không quan tâm tới lòng tốt của người khác. Không quan tâm tới cách cư xử với người khác sẽ dễ biến bạn thành thằng khùng, hay thằng điên nếu gọi theo cách khác.

Bạn không phải lúc nào cũng là trung tâm vũ trụ

Suy nghĩ của bạn hay, ý tưởng của bạn tốt, nhưng nhiều người còn hay hơn, nhiều người còn tốt hơn.

Tôi khuyên bạn đôi khi hãy coi mình là số 1, bởi cái mindset đó rất tốt cho sự phát triển bản thân của bạn. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng bạn không phải trung tâm vũ trụ, tôi không phải trung tâm vũ trụ, ngay cả Donald Trump cũng không phải trung tâm của vũ trụ.

Nhưng người lúc nào cũng không quan tâm tới ý kiến của người khác thì giống trung tâm của vũ trụ. Ý kiến của các mày chỉ là rong rêu, suy nghĩ của ta mới quan trọng.
Trong khi thực tế thì bạn chả có gì quan trọng trong mắt họ cả.

Trong các mối quan hệ, nó là sự tương phản

Bạn đứng trước gương và cười, gương sẽ phản chiếu lại hình ảnh bạn đang cười. Bạn đứng trước gương và khóc, gương sẽ phản chiếu lại hình ảnh bạn đang khóc.

Trừ khi là bạn đang xin ý kiến từ chuyên gia, hay những người giỏi hơn bạn. Còn lại, tất cả các mối quan hệ đều có tương phản rõ ràng.

Khi bạn góp ý cho người ta, người ta lắng nghe và tiếp nhận. Vậy thì khi người ta góp ý cho bạn, người ta cũng muốn bạn lắng nghe và tiếp nhận… ít nhất là phần nào.

Chứ tôi không muốn có một người bạn, hay một người anh em mà khi tôi chia sẻ ý kiến, họ gạt phắt đi và nói rằng nó chả có nghĩa lý gì và ngược lại.

Ý kiến của người khác giúp bạn tốt hơn

Ý kiến của những người có tầm nhìn tốt hơn bạn. Ý kiến của những người thực sự quan tâm tới bạn sẽ GIÚP BẠN TỐT HƠN.

Khi bạn đang đọc blog, khi bạn đọc sách, khi bạn mua program, tham gia các seminar, là bạn đang lắng nghe ý kiến và suy nghĩ từ người khác. Ý kiến của những người này sẽ phần nào giúp bạn có được cuộc sống tốt hơn, hoàn thiện bản thân hơn.

Ok, vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: Khi nào thì chúng ta nên quan tâm tới ý kiến của người khác?

Bạn nên quan tâm tới ý kiến của người khác khi nào?

Bản chất của việc không quan tâm tới người khác nghĩ gì không biến bạn thành thằng khùng. Bản chất của nó là việc giữ cho cái đầu luôn tỉnh táo để có thể đi tới cùng và gặt hái mục tiêu.

Tôi muốn bạn luôn giữ được chính kiến của mình.

Vậy bạn nên quan tâm tới suy nghĩ và ý kiến của người khác khi nào?

Khi nó là ý kiến bạn chưa bao giờ nghĩ tới

Thông thường, bạn sẽ nghĩ về phương án A và phương án B. Bạn thấy phương án A không phù hợp rồi sau cùng chọn B. Đến khi người khác bảo bạn nên làm theo phương án A. Bạn lắc đầu mỉm cười, “Không, tôi đã có phương án cho riêng mình rồi.”

Nhưng nếu đó là một phương án C hoàn toàn khác. Là phương án mà bạn chưa nghĩ đến hoặc ít khi nghĩ đến. Bạn có thể không lập tức chọn C, nhưng C chắc chắn nên là phương án mà bạn nên cân nhắc.

Ví dụ bạn lựa chọn máy tính Dell và Acer. Bạn sẽ gạt phắt phương án Acer nếu ai đó gợi ý. Nhưng khi ai đó gợi ý Macbook của Apple mà trước đó bạn chưa từng nghĩ tới, bởi tâm trí của bạn chỉ đang gói gọn trong thế giới Windows. Macbook có thể không phải là lựa chọn sau cùng, nhưng nó sẽ khiến bạn suy nghĩ rất nhiều.

Trong đời sống thực tế, ý kiến và suy nghĩ mới mẻ luôn luôn là thứ bạn nên lắng nghe và học hỏi theo.

Quy tắc 80/20

Ý kiến của người khác thú vị, nhưng chính kiến của bạn cũng rất quan trọng. Đừng thấy Hùng bảo nên làm như vậy, đừng thấy Quang bảo nên làm thế kia là bạn sẽ chạy theo ý kiến của từng người một.

Cũng như đừng để những người tiêu cực hay ghét bạn kéo bạn xuống bằng vị trí của bọn họ. Bạn cần phải có chính kiến của mình. Hãy giữ 80% là của mình, 20% còn lại bạn sẽ chắt lọc ý kiến của người khác.

Chắt lọc ý kiến

Trên thực tế tôi thường làm như vậy. Bất kể ai có ý kiến gì hay, góp ý gì tốt tôi đều nhớ. Tối đến tôi nằm suy nghĩ và so sánh ý kiến của họ và ý kiến của tôi. Trong 2 ý kiến này, ý kiến nào tốt hơn, ý kiến nào phù hợp với bản thân mình hơn? Tốt hơn nữa, tôi thường cố gắng “buộc” 2 ý kiến này lại với nhau và tạo ra 1 phiên bản ý kiến tốt hơn.

Cũng như đọc sách hay học hỏi bất cứ thứ gì khác. Tôi không hoàn toàn đồng ý với tất cả ý kiến của các tác giả. Đôi khi tôi thấy những ý kiến đó không phù hợp. Nhưng tôi cứ đọc, cứ đọc, và cứ đọc…

Tôi ghi chú lại tất cả những suy nghĩ và ý tưởng trong sách. Tôi so sánh với ý tưởng của tôi. Xem ý tưởng nào tốt hơn, ý tưởng nào thực tế hơn. Tương tự, tôi thích tạo ra ý tưởng thứ 3 từ 2 ý tưởng cũ.

Cái đó người ta gọi là chắt lọc ý kiến của người khác.

Cũng như trong Giải mã bí ẩn phái đẹp 2 + 3, tôi viết ra rất nhiều ý tưởng ở trong đó. Nhiều người nói rằng họ áp dụng những kiến thức raw trong sách và ngay lập tức thành công. Nhiều người nói rằng, họ dựa vào ý tưởng trong sách để tạo ra ví dụ cho mình. Nhiều người thay đổi một chút cho phù hợp với hoàn cảnh. Đó đều là những người biết cách tận dụng kiến thức.

Còn những người không biết cách tận dụng, họ sẽ đọc sách xong và để đấy. Họ dừng lại khi đọc thấy một vài câu không phù hợp. Họ muốn một cuốn sách trùng ý tưởng với họ từ đầu đến cuối.

Hãy học cách chắt lọc ý kiến. Bởi nếu không, bạn sẽ chẳng bao giờ học được gì ngay cả phía trước là những ý kiến siêu việt, hay mỏ vàng kiến thức. Tôi đang chỉ bạn cách tôi vẫn làm, và cách tôi thành công.

Đó cũng là câu trả lời của tôi cho bài viết nên quan tâm tới ý kiến của người khác bao nhiêu là đủ? Tôi tin rằng ý kiến của tôi trong bài viết này đủ mới lạ để hấp dẫn bạn đọc tới dòng dưới cùng này.

Hẹn gặp lại bạn ở bài viết tới.

Your friend,
Lai H.

58 bình luận về “Quan tâm tới ý kiến của người khác bao nhiêu là đủ?”

Viết một bình luận

Đã thêm item vào giỏ hàng.
0 item - 0
Tất cả mã giảm giá